VIÊM GAN SIÊU VI CẤP
VIÊM GAN SIÊU VI CẤP
I. ĐỊNH NGHĨA
Bệnh viêm gan siêu vi cấp là bệnh nhiễm trùng thường gặp tại gan, do siêu vi gây ra các tổn thương dạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 2-3 tuần.
Có 6 loại Viêm gan siêu vi (VGSV) được xác nhận:
- HAV: Hepatitis A virus
- HBV: Hepatitis B virus
- HCV: Hepatitis C virus
- HDV: Hepatitis D virus
- HEV: Hepatitis E virus
- HGV: Hepatitis G virus (đang được nghiên cứu).
II. LÂM SÀNG:
1. Khởi phát:
- Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Sốt thường nhẹ, ít khi sốt cao.
- Uể oải, mệt mỏi chiếm 95% trường hợp, là triệu chứng rõ rệt hơn.
- Chán ăn, nôn ói, đau lâm râm hạ sườn phải
- Tiểu ít, nước tiểu sậm màu.
2. Toàn phát:
- Vàng da, vàng mắt
- Phân bạc màu
- Ngứa ngoài da 40%.
III. KHÁM:
- Nhịp tim chậm khi nồng độ Bilirubin HT tăng quá cao.
- Gan to và đau
- Lách to (5-25%)
- Hạch to ít (không nổi bật)
- Dấu hiệu sao mạch
III. CẬN LÂM SÀNG:
- CTM (Bạch cầu: bt hay giảm → 1 số case tăng lymphocytes, Tiểu cầu: bt trừ DIC, thể tối cấp) KSTSR, Creatinine máu.
- Xét nghiệm về hoại tử tế bào gan: SGOT và SGPT tăng cao gấp 5-10 lần, có khi hơn 20 lần trị số cao nhất của giới hạn bình thường.
- Mặc dù có triệu chứng lâm sàng hay không, chúng ta lần lượt tiến hành các xét nghiệm sau:
- Bước đầu tiên phải chỉ định 3 xét nghiệm (cùng lúc): IgM anti-HAV; IgM anti-HBc; HBsAg.
+ IgM anti-HAV (+) : Viêm gan siêu vi A cấp.
+ IgM anti-HBc (+) : Viêm gan siêu vi B cấp.
+ HBsAg (+) đơn thuần có thể là mang mầm bệnh cũng có thể là Viêm gan siêu vi B cấp hoặc mạn.
*Nếu IgM anti-HAV và IgM anti-HBc âm tính: chẩn đoán tạm thời là viêm gan siêu vi cấp không A, không B và xét nghiệm thêm anti-HCV, IgM anti-HEV.
+ IgM anti-HEV (+) : viêm gan siêu vi E cấp.
+ Anti-HCV (+) : viêm gan siêu vi C
+ Nếu có thêm bằng chứng về chuyển huyết thanh thì kết luận là VGSV C cấp.
+ Trong trường hợp anti-HCV (-) có thể làm thêm HCV-RNA để xác định chẩn đoán.
- Bilirubin tăng
- Siêu âm gan mật: Để loại trừ các bệnh gây tắc mật và tạo khối tại gan.
IV.ĐIỀU TRỊ
- Nghỉ ngơi.
- Chế độ ăn: Nhiều đạm, nhiều đường, ít mỡ.
- Thuốc:
+ Hạn chế những loại thuốc gây độc cho gan, thuốc an thần, thuốc ngủ, corticoid, . . .
+ Vitamin K: 3-5 ngày khi Prothrombin giảm < 60%
+ Bù nước-điện giải: Lactate Ringer, Natrichloride 0,9%, Glucose 5%, Glucose 30%
+ Chống nôn: Metoclopramide, Domperidon.
+ Hạn chế hoại tử tế bào gan: Silymarin 70mg
+ Vitamin C, Vitamin nhóm B.
- Lau mát hạ sốt.
V. PHÒNG BỆNH:
Đối với từng loại siêu vi có biện pháp phòng bệnh khác nhau:
- Viêm gan A và E: 2 loại này lây truyền qua đường tiêu hóa. Vệ sinh ăn uống là biện pháp cần thiết nhất. Có thể dùng vaccin với siêu vi viêm gan A.
- Viêm gan B: muốn phòng viêm gan mạn do siêu vi B trước tiên chúng ta phải phòng không để nhiễm siêu vi viêm gan B bằng các biện pháp như chủng ngừa, thực hiện an toàn truyền máu, không dùng chung những đồ vật có thể lây nhiễm như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim châm cứu..., thực hiện an toàn trong quan hệ tình dục. Không nhiễm siêu vi B thì chắc chắn sẽ không bị viêm gan mạn do siêu vi B.
Khi đã nhiễm siêu vi B nếu là người lành mang trùng ( HBsAg dương tính, SGOT, SGPT bình thường, siêu âm cấu trúc gan bình thường) thì chỉ cần chế độ sinh hoạt làm việc phù hợp,
tránh gắng sức, bia rượu, không lạm dụng các thuốc hại gan (như Paracetamol), rèn luyện nâng cao sức đề kháng, thường xuyên kiểm tra chức năng gan. Nếu bị viêm gan cấp do siêu vi B: cần điều trị đúng phác đồ hạn chế chuyển sang viêm gan mạn.
- Viêm gan C: kiểm tra máu và chế phẩm máu trước khi sử dụng, dùng bơm tiêm một lần, không tiêm chích ma túy.
Tài liệu tham khảo:
Phác đồ điều trị 2013, phần Nội khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy