HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ NĂM 2023
Lợi ích và tính ưu việt của sữa mẹ.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có các kháng thể có tác dụng giúp cho trẻ phòng chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác.
Lượng protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ, đồng thời giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Sữa mẹ có đủ acid béo cần thiết, giúp cho quá trình hoàn thiện não bộ, võng mạc và làm vững bền mạch máu. Carbonhydrat trong sữa mẹ nhiều hơn sữa bò, cung cấp nguồn năng lượng, giúp tăng cường hấp thu calci và hỗ trợ cho sự phát triển vi khuẩn có lợi cho trẻ.
Sữa mẹ có đủ các vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng đáp ứng đủ nhu cầu trẻ nhỏ, giúp phòng chống thiếu vi chất và bảo vệ cơ thể chống quá trình oxy hóa. Sữa mẹ chứa các tế bào bạch cầu, globulin miễn dịch giúp trẻ chống lại các nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm tai, viêm màng não và nhiễm khuẩn tiết niệu. Sữa mẹ bảo vệ bé không tăng cân quá mức, nhất là trong hai năm đầu đời và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp.
Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ:
Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, không cho trẻ ăn hoặc uống gì trước khi cho bú mẹ. Cho trẻ bú theo nhu cầu của trẻ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Nếu trẻ ốm không bú được thì vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc cốc.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ để duy trì nguồn sữa:
Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, bà mẹ cần phải ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Mỗi bữa phải ăn đủ 4 nhóm thực phẩm và ăn nhiều hơn so với thời kỳ không mang thai. Cụ thể là, cung cấp đủ năng lượng từ ngũ cốc: gạo, mì, ngô, khoai sắn và các chế phẩm của chúng. Cung cấp đủ Protein (đạm) có chất lượng từ các thức ăn nguồn gốc động vật: thịt, cá, trứng, sữa. Ngoài ra cần cung cấp bổ sung chất đạm, dầu thực vật từ các loại đậu, đỗ, lạc, vừng. Cung cấp bổ sung chất béo trong mỗi bữa ăn, vì chất béo vừa có vai trò cung cấp năng lượng vừa hòa tan các VitaminA,D,E,K cần thiết cho cả mẹ và con, giúp xây dựng các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào thần kinh. Cung cấp vitamin và khoáng c hất từ các loại rau xanh và trái cây như rau muống, rau ngót, rau cải xoong, rau dền... đều có vitamin C , B12, B2, sắt, acid folic...Các loại quả chín như chuối, đu đủ, cam, xoài...
Các bà mẹ lưu ý không nên dùng các loại đồ uống kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc. Giảm các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, giảm ăn mặn.
Hãy nuôi con bằng sữa mẹ cho sự phát triển toàn diện của trẻ.